THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯƠNG NAM CẦN THƠ

 Cần Thơ mang một nét đặc trưng rất riêng của vùng miền sông nước, đến đây con người ta như được trở về với những điều thanh bình nhất, giản dị nhất. Với những ai muốn tìm tới một chốn tâm linh thanh tịnh, thì khi du lịch Cần Thơ hãy nhớ ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam.


Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại địa phận ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km. Sau khi chiêm bái thiền viện bạn có thể kết hợp tham quan Làng Du Lịch Mỹ Khánh ở gần đó chỉ cách khoảng chừng 1km.

Cổng Tam Quan

Thiền viện trúc lâm Phương Nam được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông.

Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ


Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua đã nhường ngôi lại cho con trai và một mình đến núi Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.


Mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần.

Vì là ngôi chùa thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng của các ngôi Thiền Viện ở Việt Nam. Và đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.

Sắc thái chung là màu ngói nâu đỏ với các cây cột gỗ chống lớn

Đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Cần Thơ, đi một vòng quan sát từ ngoài vào trong, điểm nhấn đầu tiên của ngôi chùa là diện tích rất rộng với nhiều hạng mục lớn như: cổng tam quan, chính điện, tháp chuông, tháp trống, hậu điện, … đều chung một sắc thái chung là màu ngói nâu đỏ với các cây cột gỗ chống lớn và phần nền được làm bằng đá khối nhìn rất vững chãi.

Cổng tam quan cao rộng xây theo lối gác mái cong đầu đao lợp bằng ngói đỏ. Chính giữa cổng là tấm biển bằng gỗ khắc chữ nổi mạ vàng “Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam”; phía dưới tấm biển hai bên cổng là hai tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bên trái và tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) bên phải. Nhìn chung, tam quan thiền viện rất bắt mắt trong ánh nhìn ban đầu khi toát lên hình ảnh vừa uy nghi, hiện đại nhưng rất truyền thống.

Qua cổng bước vào trong là khoảng sân lát gạch đỏ tươi rộng rãi dẫn đến chính điện, du khách sẽ thấy 2 hàng tượng các vị La Hán bằng đá hoa cương đặt song song. Dưới chân mỗi bức tượng đều khắc tên những vị anh hùng có công bảo vệ và xây dựng đất nước. 


Share:

Kiến trúc chùa Ông Cần Thơ đậm chất người Hoa

 Chùa Ông là một ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành hơn 100 năm thuộc địa phận phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đây là ngôi chùa được xây dựng năm 1894 và mất 2 năm để hoàn thành. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của đại bộ phận người Hoa nên có chút hơi hướng của văn hóa Trung Hoa đặc sắc.


Tổng quan chùa Ông ở Cần Thơ

Diện mạo chùa Ông nổi bật giữa khu phố, các mảng kiến trúc trang trí đa màu sắc thu hút mọi ánh nhìn. Khuôn viên ngôi chùa khép kín được xây theo hình chữ Quốc có tường bao quanh, ở giữa là sân giếng rộng đón ánh sáng tự nhiên. Chùa không có cổng tam quan mà chỉ có một lối vào duy nhất, phía trên treo một bức hoành phi và trang trí đèn lồng đỏ. Hai bên đắp tượng linh vật có hình dáng giống con Nghê. Mái chùa ngắn dốc thẳng không có những đường cong tinh tế như mái chùa Việt truyền thống, toàn bộ mái được lợp ngói âm dương, trên bờ nóc có đắp nhiều hình con vật trang trí như: Lưỡng long chầu mặt nguyệt, cá chép hóa rồng, chim muông…


Kiến trúc chùa Ông

Có nhiều ý nghĩa nhân văn, các mảng khảm bằng gốm tráng men rất sinh động, các hình tượng linh vật mang ý nghĩa cầu thái bình an lành và thịnh vượng lâu dài. Các hình rồng, phượng, ông nhật bà nguyệt còn là biểu tượng cho sự may mắn, cát tường bền lâu. Từ tổng thể đến chi tiết chùa Ông còn là một khối kiến trúc theo thuyết âm dương thống nhất.


Trong chua Ông Cần Thơ có gì?

Toàn bộ kết cấu được đỡ bằng bộ khung gỗ vững chắc, hàng cột chính, cột quân, cột hiên nâng đỡ mái chùa, phía dưới chân cột được kê bởi các tảng đá tròn được đẽo gọt gọn gàng theo hình khối. Phần lớn nguyên liệu dựng chùa được người Hoa vận chuyển từ Quảng Đông sang, nhiều đồ thờ cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng nhiều đồ vật cho thấy văn hóa thờ cúng đã chịu ảnh hưởng từ người Việt truyền thống và có sự giao thoa văn hóa trong nghi thức thực hành các nghi lễ.


Không gian chùa mang màu sắc rực rỡ các đồ thờ thường xuyên được lau chùi bóng loáng sang ánh đồng, cột gỗ, bức khảm, câu đối được sơn son thiếp vàng. Trong chùa rất chuộng dùng hương vong, có những vòng hương lớn, treo cao buông xuống trông như có thể trùm kín cả một người.


Ngồi chùa đậm chất người Hoa

Chùa Ông ban đầu có treo tấm biển ghi “Quảng Triệu Hội Quán” do một người Hoa từ Quảng Châu đặt với ý nghĩa nơi đây như một địa điểm gặp gỡ giữa những người đồng hương tụ họp lại để giúp đỡ nhau. Có thể nói đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Hoa tha hương đi làm ăn. Chính những người Hoa đầu tiên đến đây đã được chúa Nguyễn bảo hộ và giao đất cho làm ăn. Thời gian đầu cư trú vùng ven vịnh Thái Lan hay gặp cướp biển và quân Xiêm đánh cướp nên họ đã cầu viện đến sự giúp đỡ của chúa Nguyễn để được bảo vệ yên tâm làm ăn.


Tiến vào sân trước mặt là tiền điện nơi trang trọng nhất ngôi chùa thờ Ông Bổn và Mã Tiền tướng quân những người có công lớn giúp đỡ người Hoa tập hợp lại sinh sống làm ăn. Sâu bên trong nữa là chính điện thờ Quan Thánh Đế (Quan Công), Quan Thế Âm Bồ Tát, Thiên Hậu Thánh Mẫu, trạng nguyên Đổng Vĩnh. Quan Công là một nhân vật thời Xuân thu chiến quốc nổi tiếng nhân nghĩa, dũng mãnh được nhiều người ngưỡng mộ, nhân dân thờ cúng khắp nơi. Bức tượng tạc hình Quan Công uy nghiêm, khuôn mặt quắc thước, da mặt hồng đỏ, mầy rậm, râu chòm, mặc áo giáp tướng hai bên có cận vệ theo hầu.


Share:

VƯỜN TRÁI CÂY BA CỐNG CẦN THƠ

 Cần Thơ không chỉ được biết đến là một trong những thành phố lớn nhất của Việt Nam mà còn là thành phố du lịch miệt vườn nổi tiếng đồng bằng sông Cửu Long với nhiều vườn trái cây xum xuê trĩu quả. Trong các vườn trái cây nổi tiếng của Cần Thơ không thể không nhắc đến Vườn trái cây Ba Cống điểm du lịch sinh thái miệt vườn cực hấp dẫn.


Vườn trái cây Ba Cống tọa lạc tại khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đường giao thông thuận tiện lại nằm gần sông nên bạn có thể đến đây bằng đường bộ hay đường thủy đều được. Nhưng có lẽ loại phương tiện được nhiều người lựa chọn là bằng đường thủy. Vì Cần Thơ là miền sông nước, đến đây phải đi bằng tàu thuyền thì bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp nơi này. Liên hệ dịch vụ thuê tàu Cần Thơ 0919 444 545 A .Tùng chủ tàu.


Với diện tích hơn 2ha, vườn trái cây chú Ba Cống sở hữu nhiều loại cây ăn trái vùng nhiệt đới khác nhau như xoài cát, chôm chôm, dừa sáp, bưởi da xanh,măng cụt, thanh long,…được trồng theo tiêu chuẩn sạch an toàn. Có thể dễ dàng nhận thấy mỗi mùa khác nhau tại đây sẽ tương ứng với những loại trái cây khác nhau, mùa nào thức nấy đáp ứng nhu cầu khách tham quan và thưởng thức trái cây quanh năm. 



Share:

HƯỚNG DẪN ĐI CHỢ NỔI CÁI RĂNG CẦN THƠ

 Nhắc đến nét văn hóa rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nhắc đến chợ nổi, một loại hình chợ độc đáo mà có lẽ không miền nào khác trên đất nước ta có được. Trong đó chợ nổi Cái Răng Cần Thơ là khu chợ sầm uất, tiêu biểu nhất, đã được tạp chí du lịch Rough Guide của Anh Quốc bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, trang web du lịch nổi tiếng Youramazingplaces cũng bình chọn là 1 trong 5 chợ nổi đẹp, thú vị nhất khu vực Châu Á.


Phương tiện đi Chợ Nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km. Đi đường bộ khoảng 15 phút, và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều.


Đi bằng đường bộ bạn chạy dọc theo con đường Võ Tánh đến kênh Ba Láng, hướng về huyện Phong Điền cách cầu Cái Răng khoảng 500m. Nhưng đa số khách du lịch Cần Thơ, khi tham quan Chợ Nổi Cái Răng đều chọn phương tiện là thuyền từ Bến Ninh Kiều, vì khi di chuyển bằng thuyền mới cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của vùng sông nước. Tùy theo số lượng từng nhóm mà bạn có thể lựa chọn phương án một là đi ghép trên tàu lớn. Hai là thuê thuyền đi Chợ Nổi Cái Răng riêng. Liên lạc với chủ tàu để thuê điện thoại:0292 3819 219  / 0292 6265 888 .


Quãng đường ngồi trên chiếc tàu len lỏi qua những dòng kênh rạch để đến với chợ nổi Cái răng cũng rất thú vị. Bạn có cơ hội ngắm nhìn phong cảnh hữu tình hai bên bờ sông với những rặng dừa xanh cao vút cùng những xóm nhà nhỏ e ấp nép mình. Cảnh sinh hoạt của người dân ở hai bên bờ sông diễn ra như một đoạn phim tư liệu chạy ngược hướng với bạn thật phong phú và lạ lẫm, nhưng lại tạo cảm giác rất yên bình.


Đôi nét về Chợ Nổi Cái Răng

Cũng như bao chợ nổi khác ở Miền Tây như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) hay chợ nổi Long Xuyên (An Giang)… đến nay, chưa một tài liệu nào có thể xác định được chợ nổi Cái Răng được hình thành chính xác vào năm nào. Theo một số nhà nghiên cứu thì Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng). Chợ ra đời là do nhu cầu thiết yếu của con người khi cuộc sống hàng ngày đều gắn liền với địa hình sông nước.


Với tên gọi vừa hay vừa lạ đã là một niềm thích thú cho nhiều người tò mò rằng vì sao chợ lại có tên là Cái Răng, Cái Răng nghĩa là gì và ai là người đã đặt tên đó cho chợ nổi. Lý giải cho tên gọi “Cái Răng” thì người dân tại Cần Thơ kể theo một truyền thuyết như sau. Theo đó, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, lập ấp. Truyền thuyết nói về con cá sấu với thân hình rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Từ đó mà khi chợ nổi hình thành lên, người ta đã dùng tên Cái Răng để đặt cho chợ nổi. Tuy nhiên theo một số tài liệu nghiên cứu thì tên gọi Cái Răng là có nguồn gốc từ chữ của người Khmer là “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi để phục vụ trong việc chế biến món ăn, đặc biệt là họ bán rất nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ này. Do từ khó đọc mà lâu dần, người Việt đã phát âm của chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng.


Share:

Khám phá vẻ đẹp của Cồn Sơn - Cần Thơ

 Cách di chuyển đến Cồn Sơn

Địa điểm này cách đất liền từ 5-10 phút đi đò, bạn có thể bắt chuyến đò để di chuyển sang sông. Ở đây, có nhiều chuyến đò phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách trong nước và quốc tế. Đò ngồi được khoảng từ 10-15 người, vé qua đò là 10.000 đồng/lượt/người.



Nếu bạn di chuyển đến bến đò Cồn Sơn bằng xe máy thì có thể đi chuyến đò lớn hơn đến đầu cồn, nhưng sẽ khá xa mất thời gian di chuyển xuống cuối cồn. Nhưng theo kinh nghiệm khi đi du lịch Cồn Sơn Cần Thơ thì việc chạy xe máy khó khăn do đường khá nhỏ hẹp, tốt nhất bạn không di chuyển bằng xe máy trên cồn, bạn có thể gửi xe tại bến đò trước khi đến Cồn Sơn.


Nét đặc trưng của Cồn Sơn Cần Thơ

Một điều đặc biệt ở đây đó chính là bạn có thể tham quan vườn cò, tận mắt nhìn thấy hàng trăm cò trắng, cò đen bay từng đàn ở đầu Cồn Sơn vào buổi chiều. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm một khung cảnh bình yên và khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa không gian thoáng mát và yên tĩnh của vùng quê Cần Thơ.


Về con người nơi đây có nếp sống và sinh hoạt khác biệt khá nhiều so với cuộc sống nhộn nhịp, hối hả của những người ở thành phố Cần Thơ, họ rất tình cảm, gần gũi và tạo cảm giác thoải mái cho cho các đoàn du khách muốn mua gì thì mua, không chèo kéo, ép giá và mời gọi mua bán giống như các địa điểm du lịch khác.  


Tại đây còn có một trải nghiệm cuộc sống của nông dân như: câu cá, mò cua, bắt ốc,…thú vị dành cho du khách và thưởng thức ngay những món đồng quê tuyệt vời như: cá nướng rơm, bẹ chuối, ốc nướng,…


Share:

Điểm du lịch Cần Thơ 2020 nào là hot nhất?

Hãy chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ 20 địa điểm du lịch Cần Thơ này. Đặc biệt với vị trí là thành phố trẻ năng động, ngoài ra có nhiều khu vực vườn trái cây miệt vườn yên bình. Một đặc điểm thành phố thôn quê sẽ cuốn hút bạn rất nhiều khi khám phá nó. Hãy cùng miền Tây có gì điểm qua 20 địa điểm này nhé!



Cồn Sơn

Cồn Sơn là địa điểm du lịch miệt vườn nổi tiếng tại Cần Thơ. Nó như một hòn đảo biệt lập nằm giữa sông Hậu. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 8km. Tuy vậy bạn sẽ khá dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe máy và đi đò ngang mất 5′ qua bên cồn.



Khu sinh thái miệt vườn gồm hàng chục hộ dân nuôi bè cá, làm vườn trái cây sinh sống lâu đời. Đến đây bạn sẽ được tham quan khung cảnh miệt vườn với cây xanh mát. Ngoài ra là những điều đặc biệt chỉ có ở Cồn Sơn: xem cá lóc bay, xem cá ăn cơm, làm bánh dân gian và trải nghiệm nhiều điều hấp dẫn phong cách dân gian.


Khi đến đây bạn có thể thuê hướng dẫn viên bản địa đi cùng. Hoặc tốt nhất là tự khám phá bằng cách đi bộ tham quan xung quanh. Khi thích vườn trái cây nào thì cứ việc mua vé vào tham quan (Giá vé ở đây khoảng 15.000 – 30.000đ/vé).


Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch Cần Thơ nổi tiếng nhất. Đây được bình chọn là 1 trong 10 con kênh đào đẹp nhất và luôn nằm trong top 3 chợ nổi đẹp nhất châu Á. Bạn sẽ ngồi thuyền tham quan cảnh sông nước từ bến Ninh Kiều, sau đó là tham quan hàng trăm ghe thuyền tấp nập mua bán ở chợ nổi.


Điều thú vị ở chợ nổi Cái Răng Cần Thơ cần phải trải nghiệm là ăn bún riêu trên ghe và cafe kho tại thuyền. Bạn cũng có thể trả giá mua trái cây hay thử ăn khóm trên nóc thuyền.


 Vườn trái cây Ba Cống

Nơi đây cũng nằm trong tuyến điểm khi du lịch chợ nổi Cái Răng nhưng có phần xa hơn. Chúng ta thường mất thêm 20 phút để di chuyển từ chợ nổi đến đây. Vì vậy đa phần bạn cần bỏ tiền thêm để thuê ghe thuyền đến tham quan khu vực này.


Chùa Ông Cần Thơ

Một ngôi chùa cổ hơn 100 năm tuổi tại Cần Thơ. Đây là ngôi chùa của người Hoa xây dựng với nét kiến trúc đặc biệt giữ nguyên vẹn như lúc mới xây dựng. Một nơi cổ kính với nhiều góc độ đẹp để chụp ảnh. Bạn còn có thể thử xin xăm ngay tại chùa Ông.


Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Một ngôi chùa lớn nhất tại Cần Thơ và mang phong cách hoành tráng của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Nó nằm cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Bạn sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh hoành tráng với hơn 38.000m2. Đặc biệt nơi đây nổi tiếng là địa điểm chụp hình áo dài, bà ba hay cổ trang khá đẹp tại Cần Thơ.


Share:

Labels

Labels

Recent Posts